BỆNH NHÂN SỐT XUẤT HUYẾT NẰM CHEN NHAU Ở HÀNH LANG BỆNH VIỆN

Sốt xuất huyết đang bùng phát tại Hà Nội, số bệnh nhân nhập viện Nhiệt đới Trung ương tháng 9 tăng gần gấp đôi tháng 8, nằm tràn ra hành lang.

12042815-1630071963947674-7432-7451-9556-1443490177

Bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm ghép giường kê thêm ở dọc hành lang bệnh viện. Ảnh: Lê Nga

Nằm trên chiếc giường được kê dọc lối hành lang của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, ông Nguyễn Văn Nam (Duy Tiên, Hà Nam) được chẩn đoán sốt xuất huyết và đã nhập viện được 4 ngày. Khi nhập viện, ông phải nằm ghép giường, sau đó chuyển sang khu giường bệnh mới được kê ở hành lang.

Theo thống kê từ Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng từng ngày. Số người nhập viện ngày 26/9 là 15 ca, đến ngày 27/9 đã tăng lên 26 ca.  Trong tháng 7 chỉ có 92 ca nhập viện thì đến tháng 8 đã tăng 188 ca. Từ đầu tháng 9 đến nay có 290 ca nhập viện. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 633 ca sốt xuất huyết.

Bác sĩ Trần Thị Tú, Khoa Virut – Ký sinh trùng, cho biết, khoa đã được tăng cường 14 giường tại hành lang tuy vậy bệnh nhân vẫn phải nằm ghép rất chật. Do tình trạng bệnh viện quá tải nên tất cả bệnh nhân nằm ghép đều chấp nhận ký cam kết tự nguyện. Mỗi bệnh nhân nhập viện sẽ được điều trị và theo dõi khoảng 10 ngày, sau đó cho ra viện để tránh tình trạng quá tải. Tuy nhiên, diễn biến bệnh phức tạp và tùy vào tình trạng bệnh nhân có thể bắt buộc phải nằm điều trị thêm.

Bệnh nhân chủ yếu là người lớn, hầu hết sống tại các khu vực Hà Nội (556 ca), Nam Định (13 ca), Hà Nam (10 ca), Bắc Ninh (10 ca), hải Dương (9 ca). Mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện, trong khi đó số bệnh nhân cũ chưa kịp ra viện đã dẫn đến tình trạng quá tải.

Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Phó trưởng Khoa Virut – Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn, chủ quan không nghĩ mình bị sốt xuất huyết, đến khi nổi ban trên da, nôn thốc nôn tháo, đau bụng dữ dội… mới đến viện. Nhiều bệnh nhân đến viện đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như chảy máu cam, tiểu cầu giảm, xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa,… Tuy vậy bệnh viện chưa ghi nhận ca tử vong nào có liên quan đến sốt xuất huyết.

“Trong những ngày tiếp theo bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị y tế, giường bệnh và liên hệ với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để tiếp nhận các đơn vị máu, điều trị cho bệnh nhân”, bà Thư cho biết.

Tại TP HCM, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Dũng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng cao hơn so với đầu tháng 9. Ngày 28/9 có 202 bệnh nhân đang nội trú, 39 bệnh nhân mới. Trong khi đó ngày 1/9 tổng số bệnh nhân nội trú chỉ 119 người. “Tuy số lượng bệnh nhân gia tăng nhiều nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bệnh viện nên hiện chưa xảy ra tình trạng quá tải”, bác sĩ Dũng cho biết.

Bệnh sốt xuất huyết gia tăng và xuất hiện các ổ dịch nhỏ ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, dự báo sẽ bùng phát trở lại theo chu kỳ. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt.

Để phòng bệnh, phương pháp chính là kiểm soát số lượng muỗi, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để có nước đọng, những nơi ẩm thấp muỗi thường cư trú. Tránh tuyệt đối bị muỗi đốt, ngủ phải nằm màn, nếu cần phải phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Nếu đã mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh tử vong.

Tin Liên Quan