KIẾN BA KHOANG TẤN CÔNG CƯ DÂN NHÀ CAO TẦNG SÀI GÒN

Gia đình bà Hương ở tầng 15 chung cư Gold House huyện Nhà Bè, mấy ngày qua thường bị kiến ba khoang bay vào nhà, có đêm bắt vài chục con.

Chiều đến, nhất là khi trời mưa, bà Hương phải đóng kín các cửa để ngăn kiến độc vào nhà. Tối đến hạn chế bật đèn hoặc thiết bị phát ra ánh sáng. Vậy mà đêm nào gia đình cũng phát hiện vài con kiến ba khoang trong toilet hoặc bò dọc chân tường, bám vào quần áo, giường chiếu, chăn màn. Có 3 người trong gia đình bà Hương bị “kiến bay” tấn công, trong đó bà là nạn nhân đầu tiên với nhiều vết tổn thương trên da cổ, tay, vai, gáy.

Người phụ nữ miêu tả kiến ba khoang dường như không đốt mà chỉ bò lên người rồi phun chất độc lên da. Ở vùng da bị tổn thương ban đầu có cảm giác rát rồi phồng rộp lên như vết bỏng, bên trong có nước. Nếu không cẩn thận, nốt phồng sẽ vỡ ra gây lở loét và để lại sẹo rất xấu. “Ban đầu tôi không biết tại sao nhiều vùng da trên cơ thể nổi mụn nước li ti chằng chịt, tưởng bị giời leo. Con gái tìm hiểu trên mạng mới biết là do kiến ba khoang”, bà Hương nói.

kien-3-khoang1-7260-1443672255

Bà Hương với những vết tổn thương trên da do kiến ba khoang. Ảnh: Thi Ngoan.

Kiến ba khoang dài bằng gần một đốt ngón tay út, to bằng con kiến lửa chúa, ở bụng có màu nâu vàng, chia làm 3 khoang, đuôi có 2 nhánh nhỏ chĩa ra. Kiến có cánh và bay rất khỏe. Loài côn trùng này vào nhà theo chiều gió và ánh sáng đèn, có mặt ở hầu hết tầng cao của chung cư.

Chị Diệu tự nhận là “nạn nhân thê thảm nhất” bởi tàn tích của kiến để lại trên nhiều vùng nhạy cảm của cơ thể nên không thể mặc quần áo như bình thường được. “Đi làm về khuya, nhà tắt điện nên tôi phải thay quần áo trong bóng tối nên bị dính kiến đã ẩn trong tủ đồ”, cô gái 8x kể. Các vết tổn thương mọng nước ở vùng ngực, bụng, lưng khiến chị đau rát và khó khăn trong sinh hoạt. Cả tuần nay chị phải dùng băng keo cá nhân dán phủ lên vết thương rồi mới mặc áo ngực được.

Theo kinh nghiệm của chị Diệu, khi phát hiện kiến ba khoang nên lấy băng keo dán lại để chúng khỏi bay. Nếu không có keo thì dùng giấy bắt rồi bỏ vào bồn cầu xả nước cho trôi đi. Lưu ý không dùng tay bắt hay giết kiến vì nọc độc sẽ dính lên da gây viêm, lở, rát nhức.

Bà Hòa giúp việc cho một gia đình ở chung cư cũng phải đi bệnh viện để điều trị tổn thương do kiến ba khoang gây ra. Bà cho biết mấy hôm trước nhìn thấy con kiến lạ nên dùng tay giết nhưng không rửa sạch bằng mà đi tắm ngay. Sáng hôm sau ngủ dậy bà thấy nhiều vùng da nóng rát rồi nổi sẩn đỏ và phồng rộp khắp nơi, đặc biệt là mặt. Đến bệnh viện khám, bà Hòa mới biết bị dính độc của kiến ba khoang.

kien-3-khoang-4156-1443672255

Vết nhiễm độc do kiến ba khoang trên lưng một sinh viên ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: S.N.

Các chuyên gia về côn trùng khuyến cáo kiến ba khoang đốt rất đau, đặc biệt trong kiến có chất pederin (C24H43O9N) độc gấp nhiều lần nọc rắn hổ mang. Loài côn trùng này có chất độc và mang vi khuẩn cộng sinh nên tiếp xúc với da người sẽ gây viêm da thối thịt. Sau khi giết kiến không rửa sạch tay với xà phòng mà sờ lên bất kỳ vùng da nào sẽ gây tổn thương, đỏ tấy, phồng rộp, lở loét… Tình trạng này thường chấm dứt sau khoảng một tuần bôi thuốc.

Bác sĩ da liễu thì khuyên khi phát hiện dấu đỏ kèm theo cảm giác rát hoặc lấm tấm mụn nước, hãy dùng nước muối sinh lý rửa từ 3 đến 4 lần mỗi ngày để trung hòa dịch tiết của côn trùng. Có thể bôi các thuốc làm dịu cảm giác rát như hồ nước. Khi vết thương khô thì bôi kem kháng sinh hoặc kem kháng sinh kết hợp chống viêm corticoid… Tránh sờ vào vết thương, cố gắng không làm vỡ bọng nước. Trường hợp bị kiến đốt nhiều gây phỏng mủ lan rộng kèm theo sưng đau, sốt, bạch cầu tăng cao… cần đến bệnh viện để điều trị dứt điểm.

Kiến ba khoang hay kiến khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen – vàng cam xen kẽ. Trong dân gian, chúng có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít. Kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều tại TP HCM vào mùa mưa, đặc biệt lúc chiều tối.

Tin Liên Quan